Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo

225 Lượt xem

Nhãn hiệu hàng hóa, Logo hay còn có thể gọi chung là Thương hiệu: Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, tại Việt Nam Nhãn hiệu và việc đăng ký Nhãn hiệu quy định như sau:

Kết quả của việc đăng ký nhãn hiệu thành công là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được cấp Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu hay còn gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu logo”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.

Để hiểu rõ vấn đề trên Tuvanluatviet.com.vn xin trân trọng giới thiệu với quý khách hàng các nội dung dưới đây:

I. Quyền đăng ký nhãn hiệu:

Tổ chức hoặc cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu/ đăng ký tên dùng cho hàng hoá hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc kinh doanh;

Tổ chức hoặc cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên;
Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn thuộc về tổ chức, cá nhân đại diện cho tập thể các cá nhân hoặc chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tương ứng.
Quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, có thể được chuyển giao cho cá nhân hoặc các chủ thể khác thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn.

II. Trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu:

 Việc đăng ký nhãn hiệu (lo go, thương hiệu) cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm các bước:

1.Tra cứu nhãn hiệu, logo:

– Tại sao cần tra cứu nhãn hiệu: Thủ tục này không bắt buộc nhưng chúng tôi khuyến khích khách hàng thực hiện. Vì đây là bước khách hàng tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn chính thức xem nhãn hiệu mình dự kiến đăng ký đã có ai đăng ký trước mình chưa hoặc nhãn hiệu mình dự kiến đăng ký có gây nhầm lẫn, có bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho cùng  loại sản phẩm, dịch vụ của mình hay không? Nếu nhãn hiệu đó đã có người đăng ký trước hoặc có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác thì khách hàng xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi bằng nhãn hiệu khác.

– Thời gian thực hiện: 01- 02 ngày làm việc

–  Tài liệu cung cấp : mẫu nhãn hiệu và lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ khách hàng dự kiến đăng ký

Chi tiết xin liên hệ các Luật sư của Tuvanluatviet.com.vn để được giải đáp và tư vấn

2. Đăng ký nhãn hiệu, logo: Khi có kết quả tra cứu nhãn hiệu , việc đăng ký nhãn hiệu được thực hiện như sau:

2.1 . Chuẩn bị các hồ sơ tài liệu

 – 02 Tờ khai đăng ký theo mẫu

 – 05  Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu (mẫu nhãn hiệu có kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên tờ khai);

 – Giấy đăng ký kinh doanh (bản sao), hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn nếu Cục sở hữu trí tuệ có nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí

– Ủy quyền của khách hàng cho Luật sư hoặc Giấy giới thiệu.

Ngoài các tài liệu trên, thì tùy từng trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung các tài liệu khác như sau:

  1. Nếu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận thì có thêm Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
  2. Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
  3. Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
  4. Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại điểm 37.7.a của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
  5. Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho cá nhânhoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho tổ chức (nếu đơn nộp thông qua đại diện);
  6. Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (biểu tượng, cờ, huy hiệu, con dấu…);
  7. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
  8. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
  9. Và các tài liệu bổ trợ khác (nếu có).

2.2. Quy trình và thời hạn xem xét đơn

Đơn đăng ký nhãn hiệu được xử lý tại Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ theo trình tự  như sau:

Bước 1:Thẩm định hình thức:

Là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức,về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ.

Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn

Bước 2:  Công bố đơn hợp lệ:

Đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo SHCN trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký nhãn hiệu là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.

Bước 3: Thẩm định nội dung:

Đơn đăng ký nhãn hiệu đã được công nhận là hợp lệ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ.

Thời hạn thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn

3. Kết quả: 

Sau 12 tháng (hoặc có thể kéo dài thêm từ 01- 02 tháng) kể từ ngày nộp đơn, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (chủ sở hữu) sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần.

III. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cấp Văn bằng bảo hộ

– Người có quyền khiếu nại: Người nộp đơn có quyền khiếu nại việc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, từ chối cấp Văn bằng bảo hộ hoặc người thứ ba khiếu nại quyết định cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

– Thủ tục khiếu nại: Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ họ, tên và địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung Quyết định hoặc Thông báo bị khiếu nại; số đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ liên quan; tên đối tượng cần được bảo hộ nêu trong đơn; nội dung,lý lẽ,dẫn chứng minh hoạ cho lý lẽ khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc huỷ bỏ Quyết định hoặc kết luận liên quan;
– Đơn khiếu nại phải được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn quy định.
– Đơn khiếu nại nộp sau thời hạn nêu trên không được xem xét. Trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho Người khiếu nại.
Nếu không đồng ý với ý kiến trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ, Người khiếu nại có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Trường hợp khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phải thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho Người khiếu nại. Nếu không đồng ý với giải quyết của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính.

MỌI CHI TIẾT LIÊN HỆ: 

Hotline:0904.709.798

Email: nguyetluatsu@gmail.com

Địa chỉ : 106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Bài trước
Bài kế tiếp